5 cuốn sách giúp bạn có cái nhìn sâu hơn về nữ quyền

07/03/2022
Rin

Chủ đề nữ quyền trong các cuốn sách đã không còn quá xa lạ với bạn đọc bởi sự tiến bộ trong tư tưởng và sự phát triển của các đạo luật về bình đẳng giới. Dưới đây là 5 cuốn sách mà Búc Seo đã tìm hiểu và lựa chọn. Hãy cùng xem đó là những cuốn sách nào nhé!

 

  1. Lean In (Dấn Thân) - Sheryl Sandberg

nguồn: developer.uk

Với vị trí Giám đốc Vận hành tại Facebook, từng giữ chức vụ lớn tại Google và Bộ Tài chính Mỹ, tác giả Sheryl Sandberg được ví như một người phụ nữ quyền lực tại Silicon Valley. Cuốn sách là những chia sẻ về cuộc đời cô, những khao khát của một người phụ nữ muốn làm tốt cả hai việc: cống hiến cho xã hội và làm tốt việc gia đình. Lean In thật sự đã làm thức tỉnh những người phụ nữ trong việc khẳng định bản thân và thấy được những “góc khuất” của các phong trào bình đẳng giới đang diễn ra hiện nay. Bằng những kinh nghiệm của bản thân, những dữ kiện thực tế, những ví dụ cụ thể nhất, Sheryl Sandberg đã đưa người đọc, đặc biệt là những bạn đọc là phụ nữ, vượt qua lối mòn trong suy nghĩ để sống một cuộc sống đúng với nghĩa “bình đẳng” hơn bao giờ hết.

“Những người phụ nữ nào đã xoay xở được để vừa làm mẹ, vừa thành đạt trong sự nghiệp thì hoặc là siêu nhân, giàu có, hoặc là một bà chủ”

 

  1. Little Women (Những người phụ nữ bé nhỏ) - Louisa May Alcott

nguồn: pinterest

Một cuốn sách được xuất bản vào thế kỷ 19, từng gây sốt tại quê nhà, hầu như chỉ viết về những chuyện “nữ nhi thường tình”, đã biến thành cuốn tiểu thuyết vượt thời gian bởi tầm ảnh hưởng của nó tới bạn đọc hiện đại.

Câu chuyện - được viết dựa trên cuộc sống của tác giả - kể về 4 chị em gái nhà March: Meg, Jo, Beth, Amy từ thời niên thiếu tới lúc trưởng thành. Bốn cô gái ấy lại sở hữu trong mình mỗi người một tính cách: chị gái Meg đoan trang và hiền hậu, Jo cá tính và muốn trở thành một nhà văn như thể Shakespeare phiên bản nữ, cô Beth giỏi âm nhạc nhưng ốm yếu và Amy với ước mơ trở thành họa sĩ. Ngôi nhà thiếu vắng trụ cột do bố các cô tình nguyện ra chiến trường cùng sự khó khăn về kinh tế đã khiến các cô gái, dù còn nhỏ tuổi, đã phải đối mặt với những vấn đề trưởng thành. Hôn nhân vì tình yêu hay vật chất? Sống cho bản thân hay hy sinh vì gia đình? Theo đuổi ước mơ hay an phận? Tác giả Louisa May Alcott đã nhẹ nhàng lồng ghép những vấn đề nữ quyền và truyền tải thông điệp có phần sâu lắng nhưng giàu cảm xúc, thông qua những chuyến phiêu lưu, những câu chuyện về tình bạn, tình yêu và tình cảm gia đình đầy ý vị trong cuốn sách của mình.

 

  1. I am Malala (Tôi là Malala)

nguồn: christian science monitor

I am Malala là một câu chuyện phi thường về chủ nhân của giải Nobel Hòa bình (2014).

Malala sống tại Pakistan, có một tuổi thơ hạnh phúc vì được đến trường, cho tới khi quân Taliban tràn vào đất nước. Và bắt đầu từ lúc đó, phụ nữ nơi đây bị tước đoạt gần như mọi quyền lợi, bao gồm cả quyền được cất lên tiếng nói. Những vụ khủng bố đẫm máu, trường học đóng cửa, các bé gái không được phép ra khỏi nhà, phụ nữ chỉ được phép ra ngoài khi có người đi cùng,... Bất chấp những điều ấy, Malala 10 tuổi dám đứng dậy để cất lên tiếng nói của mình. Cô kêu gọi bạn bè không từ bỏ trường học, viết nhật ký cho BBC về tình hình trong nước. Xuyên suốt câu chuyện, Malala nhấn mạnh rằng: cho dù cô có đấu tranh cho nền giáo dục, được gặp thủ tướng của các nước, được lên tiếng tại Liên Hợp Quốc hay nhận giải Nobel Hòa Bình danh giá, làm những việc lớn nhỏ thì cô vẫn là Malala ‑ một cô gái muốn đứng nhất toàn trường trong kì thi Hoá học và là cô con gái nhỏ của bố mẹ. I am Malala là một cuốn tự truyện xúc động về tinh thần nữ quyền, sự đấu tranh không ngừng nghỉ về quyền mưu cầu tri thức, dù là của một bé gái.

 

  1. Vấn đề phụ nữ ở nước ta - Phan Khôi

nguồn: Kafka Bookstore

Có thể nói, Phan Khôi là một trong số những tác gia Việt Nam đầu tiên tiếp cận tư tưởng nữ quyền một cách hệ thống và có sức thuyết phục cao. Ông, về mặt này, hoạt động như một nhà xã hội học tiên phong. Ông đã từng khởi lên việc luận bàn về “vấn đề phụ nữ”, chỉ ra thực trạng bất bình đẳng về giới, dưới ảnh hưởng của ý thức hệ Khổng giáo và nền quân chủ chuyên chế đã tồn tại suốt hàng ngàn năm và đang tỏ rõ là một trong những lực cản trở xã hội Việt Nam bước vào thời hiện đại.

Trong cuốn sách này, Phan Khôi đề cập tới hầu hết các khía cạnh căn bản của phụ nữ, từ vấn đề làm người, cho tới chuyện chính trị, vấn đề nữ lưu giáo dục, hay “nữ công”, nhất là các vấn đề về nhân phẩm và hôn nhân gia đình. Những bài viết và tác phẩm của ông được tuyển chọn trong tuyển tập này, sẽ mang tới những góc nhìn khác một cách đáng suy ngẫm cho độc giả về vấn đề phụ nữ ở nước ta.

 

  1. The Handmaid's Tale (Chuyện người tùy nữ) - Margaret Atwood

nguồn: mashable

Chuyện Người tùy nữ là một cuốn tiểu thuyết phản địa đàng vẽ lên một bối cảnh tương lai hiếm thấy trong văn học đương đại. Lấy hình ảnh phụ nữ làm trung tâm, những người tùy nữ ở đây bị ép buộc trở thành một “cỗ máy sinh sản” để phục vụ cho mục đích đen tối của những kẻ cầm quyền tàn bạo. Họ bị tước đi sự tự do, không thể làm chủ được số phận của mình, tuyệt vọng tìm cách sinh con để khỏi phải ra quét chất thải phóng xạ trên đảo hoang, và không ai biết lúc nào tới lượt mình được “cứu chuộc” trên dây treo cổ.

Cuốn sách là một câu chuyện cảnh tỉnh để trả lời làn sóng chống nữ quyền và sự trỗi dậy của các thế lực tôn giáo bảo thủ ở nước Mỹ những năm 1980. Bên cạnh đó, nó còn là bản cáo trạng tội ác của loài người, là tiếng kêu cứu về nạn bất bình đẳng giới xuất hiện ở những quốc gia được cho là hiện đại nhất, và mang trong mình sứ mệnh bảo vệ nữ quyền xuyêt suốt mọi thời đại.

 

Trên đây là 5 cuốn sách có nội dung về nữ quyền mà The Bookshelf Hanoi thấy ấn tượng nhất. Hãy chia sẻ cùng chúng mình cuốn sách yêu thích của bạn về chủ đề này nhé. Chúc các bạn nữ có một ngày 08/03 thật hạnh phúc và ý nghĩa!

 

 

 

 

 Tags:
review