7 quyển sách bạn không nên bỏ qua trong mùa Halloween

21/10/2022
Yang

“Trick or treat”: Mùa Halloween này, chúng mình sẽ không cho kẹo và cũng chẳng bị ghẹo. Thay vào đó, để đánh dấu thời điểm ma quái nhất trong năm, Kệ sách nhà Seo sẽ giới thiệu đến các bạn 4 quyển sách thích hợp đọc trong dịp Halloween.

 

Disclaimer: Một số câu chuyện dưới đây sẽ vô cùng rùng rợn nhưng cũng đầy lôi cuốn khiến bạn đọc không thể nào rời mắt khỏi trang sách. Nào, còn chần chừ gì nữa, hãy cùng xem đó là những gợi ý gì từ Seo nhé!

 

1. Coraline - Neil Gaiman

“Coraline” là tiểu thuyết dành cho thiếu nhi của nhà văn người Anh Neil Gaiman. Được xuất bản vào năm 2002, Neil Gaiman đã thổi một làn gió mới mẻ, đầy sự đột phá vào dòng tiểu thuyết kinh dị.

 

 

Nội dung xuyên suốt quyển sách kể về cuộc phiêu lưu ly kỳ ở một thế giới khác của cô bé Coraline dũng cảm. Coraline vừa chuyển vào một ngôi nhà ở vùng ngoại ô cùng cha mẹ không lâu. Vì bận rộn với công việc nên cha mẹ không dành nhiều thời gian ở bên cạnh cô. Cho đến một hôm, Coraline khám phá được có một cánh cửa dẫn đến thế giới khác và sự tò mò đã thôi thúc cô bước qua cánh cửa ấy. Dưới ngòi bút đầy sắc sảo của Neil Gaiman, thế giới bên kia cánh cửa ma mị một cách kín đáo. Điều lạ kỳ là trong thế giới đó có ngôi nhà giống hệt như nhà cô, có đầy những món ăn ngon và có cả “cha khác” và “mẹ khác”, họ đều tỏ ra ân cần và hết mực quan tâm cô bé - điều mà Coraline luôn mong muốn ở thế giới thực. Nhưng nếu cô bé muốn ở lại đây, cô phải đánh đổi bằng đôi mắt của mình.

 

Trở về ngôi nhà thật sự của mình, Coraline phát hiện ra rằng cha mẹ ruột của cô đã mất tích, họ chỉ còn xuất hiện trong chiếc gương ở phía hành lang. Sau khi cô biết cha mẹ thật của mình đã bị “mẹ khác” bắt cóc, Coraline quyết định trở lại thế giới bên kia cánh cửa để tìm lại cha mẹ mình. Với sự giúp đỡ của một chú mèo có thể nói chuyện trong thế giới gương, Coraline đã giải cứu cha mẹ của mình, cũng như linh hồn của những đứa trẻ khác mà mụ phù thủy đã giam giữ trên thế giới thông qua cánh cửa ma quái kia.

 

Qua chuyến đi vào thế giới mới đầy kỳ lạ kia, Coraline đã nhận ra những bài học vô cùng quý giá và tìm về những giá trị đích thực. Cô bé Coraline dũng cảm đã học được cách trân trọng cuộc sống, cô hiểu rằng khi mở lòng mình để quan tâm và yêu thương mọi người một cách chân thành, cô sẽ được đáp trả lại những tình cảm như thế.

 

“Fairy tales are more than true: not because they tell us that dragons exist, but because they tell us that dragons can be beaten.”

 

2. Frankenstein - Mary Shelley

“Frankenstein” là một tiểu thuyết kinh điển kể về một nhà khoa học đã tạo ra một con quái vật và vô tình gây ra những sự kiện tàn khốc, kinh hoàng. Victor Frankenstein là một chàng sinh viên trẻ tuổi - người đã tạo ra một sinh vật từ các bộ phận cơ thể khác nhau. Victor tin rằng khám phá của mình sẽ mang đến những tiến bộ khoa học. Bằng cách nào đó, sinh vật  được tạo ra để trở nên “đẹp đẽ”, lại trở nên gớm ghiếc và đáng sợ. Trong cơn sợ hãi, Frankenstein đã bỏ chạy và để con quái vật kia trốn thoát. Sau khi trốn thoát, cả sinh vật và Frankenstein đều tìm cách trả thù lẫn nhau.

 

 

Quyển sách này mang lại cho chúng ta một góc nhìn mới và sâu sắc hơn về thế giới khoa học. Victor Frankenstein là một ví dụ điển hình về cách mà “cuộc săn lùng” này có thể hủy diệt không chỉ bản thân người đó mà còn cho toàn xã hội. So với những tiểu thuyết viễn tưởng khoa học khác, Frankenstein đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc bởi ngôn ngữ độc đáo và cốt truyện vô cùng lôi cuốn.

 

“It is true, we shall be monsters, cut off from all the world; but on that account we shall be more attached to one another.”

 

3. Dracula - Bram Stoker

Với “Dracula”, nhà văn Bram Stoker đã tạo nên một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của thể loại kinh dị, ông đã khơi dậy xuất sắc một thế giới ác mộng của ma cà rồng và thợ săn ma cà rồng.

 

 

Câu chuyện kể về một chuyến đi của Jonathan Harker - người đang điều tra về những chuyện bí hiểm trong lâu đài Dracula. Ngay từ đầu tác phẩm, Bram Stoker đã khiến người đọc tò mò về nhân vật qua lời kể từ những người địa phương rằng Dracula là người không nên đến thăm vào buổi tối. Dần dần, tác giả dẫn dắt ta theo từng bước chân của nhân vật, để đi từ tò mò này sang tò mò khác. Quyển sách này không được viết dưới dạng tiểu thuyết thông thường, mà được lồng ghép từ nhiều đoạn nhật kí, thư từ, điện tín,.. Nhờ điều đó đã giúp câu chuyện trở nên thật hơn, và mang tính cá nhân hơn vì ta được thâm nhập vào những suy nghĩ sâu kín nhất của từng nhân vật.

 

Những tình tiết trong câu chuyện không được kể liền mạch mà ngắt quãng, để rồi sau đó tác giả mới dần chắp nối từng chi tiết lại với nhau hết sức tài tình, khiến bạn đọc không thể nào rời mắt khỏi trang sách.

 

“Oh, the terrible struggle that I have had against sleep so often of late; the pain of the sleeplessness, or the pain of the fear of sleep, and with such unknown horror as it has for me! How blessed are some people, whose lives have no fears, no dreads; to whom sleep is a blessing that comes nightly, and brings nothing but sweet dreams.”

 

4. The Haunting of Hill House - Shirley Jackson

Đến với “The Haunting of Hill House”, Shirley Jackson đưa người đọc đến một ngôi biệt thự cổ, tận mắt chứng kiến ​​những bóng ma lang thang trên các hành lang và những lời nguyền cũ ẩn nấp trong những ngóc ngách khó ngờ nhất.

 

 

Theo chân câu chuyện là bốn nhân vật chính gồm: Tiến sĩ Montague, một nhà nghiên cứu những hiện tượng tâm linh với hy vọng chứng minh một cách khoa học sự tồn tại của siêu nhiên; Theodora, trợ lý của ông; Eleanor, một phụ nữ trẻ nhút nhát dành cả thập kỷ để chăm sóc người mẹ tàn tật và Luke, người thừa kế tương lai của dinh thự. Họ cùng nhau đến Hill House - nơi được đồn đại là bị ma ám từ lâu. Thoạt đầu, sự có mặt của họ dường chỉ đơn thuần là một cuộc gặp gỡ định mệnh ma quái với những hiện tượng siêu nhiên không thể giải thích. Nhưng sau đó những thế lực quỷ ám của ngôi nhà đã sớm tập trung sức mạnh và bắt một người phải ở lại mãi mãi trong Hill House.

 

“The Haunting of Hill House” được nhà văn Stephen King đánh giá là một trong những tiểu thuyết kinh dị đáng sợ nhất của thế kỷ 20. Tác phẩm đã được chuyển thể thành hai bộ phim cùng tên The Haunting vào năm 1963 và 1999.

 

“No live organism can continue for long to exist sanely under conditions of absolute reality; even larks and katydids are supposed, by some, to dream. Hill House, not sane, stood by itself against its hills, holding darkness within; it had stood so for eighty years and might stand for eighty more.”

 

5. The handmaid's tale - Margaret Atwood  

“The handmaid’s tale” là quyển tiểu thuyết thuộc dòng văn học Phản địa đàng của nhà văn người Canada - Margaret Atwood. Được xuất bản vào năm 1985, quyển sách đã gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng văn học nước ngoài.

 

 

Câu chuyện xoay quanh một thế giới giả tưởng kỳ dị mà ở nơi đó dân số thế giới giảm mạnh, loài người có khả năng tuyệt chủng vì chiến tranh lan rộng và sự nhiễm độc của môi trường làm tăng tỷ lệ vô sinh. Và tại Hoa Kỳ, sau một trận chiến bí ẩn, trật tự của đất nước đã được thiết lặp lại và đổi tên thành Cộng hòa Gilead. Ở quốc gia mới này hình thành này, phụ nữ không có quyền gì cả, họ không có gia đình, bạn bè, công việc và kể cả cái tên cũng bị tước đi. Tất cả những gì họ làm đó là đẻ con cho những người phụ nữ vô sinh ở vị trí cao hơn trong xã hội - những bà vợ của những Kẻ cầm quyền.

 

Theo chân quyển sách, ta sẽ dõi theo hành trình đấu tranh tìm lại tự do của cô hầu nữ mang tên Offred - một người phụ nữ bị Gilead bắt giữ và biến thành người hầu cho một gia đình. Từ những hồi ức mong manh về quá khứ tươi đẹp - nơi cô có gia đình của mình, có bạn bè, công việc và có sự tự do. Cô bấu víu vào những thước phim quá khứ ấy để phần nào thoát khỏi và cố gắng bước tiếp ở “cuộc sống mới”. Để từ đó chính là khát khao thay đổi, động lực giúp Offred dám vùng lên và thoát khỏi thế giới tràn ngập nỗi đau và tuyệt vọng.

 

Ở một khía cạnh nào đó, xã hội Gilead phản ánh chân thật chính thế giới mà ta đang sống. Từ những hình ảnh đối lập nhau dùng để châm biếm, chỉ trích sự độc ác của con người, của niềm tin mù quáng vào tôn giáo, phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính. Sau hơn 37 năm kể từ khi xuất bản, “The handmaid’s tale” đã chứng minh được sức hút của mình và truyền tải đi một thông điệp vô cùng nhân văn mang tính thời đại.

 

"I used to think of my body as an instrument, of pleasure, or a means of transportation, or an implement for the accomplishment of my will . . . Now the flesh arranges itself differently. I'm a cloud, congealed around a central object, the shape of a pear, which is hard and more real than I am and glows red within its translucent wrapping."

 

6. Perfume: The Story of a Murderer - Patrick Süskind

“Perfume: The Story of a Murderer” xoay quanh câu chuyện về một thiên tài khát khao được khẳng định tài năng của mình trong lĩnh vực chế tạo nước hoa. Jean-Baptiste Grenouille - đứa trẻ được sinh ra với một món quà tuyệt vời - một khứu giác vô cùng nhạy.

 

Với khát khao mãnh liệt điều chế ra một loại nước hoa sẽ trường tồn với thời gian, Jean-Baptiste Grenouille đã tìm cách lưu lại mùi hương của con người bằng cách giết hại những trinh nữ để lấy tinh dầu từ cơ thể họ nhằm điều chế nước hoa. Từ đó, hành trình của thiên tài lạc lối bắt đầu. Sinh ra là một người đến mùi hương riêng của mình cũng không có nhưng lại có thể khám phá tất cả mọi mùi hương trên thế gian. Để rồi, gã lên đường đi tìm mùi hương riêng của mình. Phải chăng đó chính là hành trình đi tìm bản ngã, đi tìm cái tôi?

 

 

“Perfume: The Story of a Murderer” không chỉ phê phán con người và xã hội, mà còn phê phán cả tôn giáo, trong cách mà tôn giáo đã xem những gì thuộc về bản năng mang là nguồn gốc của tội lỗi. Patrick Süskind đã đặt ra những câu hỏi quan trọng về bản chất con người, về sức mạnh lôi cuốn của cái ác, một cách nhìn mang tính tích cực.

 

“He possessed the power. He held it in his hand. A power stronger than the power of money or the power of terror or the power of death: the invincible power to command the love of mankind. There was only one thing that power could not do: it could not make him able to smell himself.”

 

7. Verity - Colleen Hoover

Đến với "Verity”, người đọc như được đắm chìm vào một bộ phim kinh dị tâm lý nhưng không kém phần lãng mạn. Quyển sách này được cộng đồng độc giả đánh giá là một trong những cuốn sách gây ghê sợ và ám ảnh nhất của nhà văn nổi tiếng - Colleen Hoover.

 

 

Quyển tiểu thuyết gay cấn đi kèm với những “plot twist” đầy bất ngờ, “Verity” kể về nhân vật Lowen - một nhà văn không thể trụ vững về tài chính do cái chết của mẹ cô gần đây. Trong lúc tuyệt vọng, Lowen chấp nhận một lời đề nghị làm việc có thể giúp cô duy trì cuộc sống. Đó là trở thành đồng tác giả với Verity Crawford - một nhà văn nổi tiếng hiện đang mất khả năng lao động và áp lực đặt ra là phải hoàn thành những gì mà tác giả nổi tiếng này đã bắt đầu.

 

Để làm quen với công việc của Verity, Lowen đến nhà của Verity để thực hiện những yêu cầu trong hợp đồng. Trong khi sắp xếp lại những ghi chú và đồ đạc của Verity, Lowen đã khám phá ra một thứ gây sốc. Đó là bản thảo bí ẩn phác thảo câu chuyện về cuộc đời của Verity. Tất cả những sự kiện bi thảm đã ảnh hưởng đến gia đình của Verity đều được viết trong bản phác thảo ấy. Lowen đưa ra một quyết định vô cùng khó khăn sau khi đọc bản thảo của Verity và cô quyết định giấu quyển sổ này khỏi người chồng của Verity - Jeremy. Tuy nhiên, khi Lowen nảy sinh tình cảm với Jeremy, có những bí mật cô không thể che giấu được nữa.

 

Tương lai sẽ ra sao đối với Verity, người chồng tận tụy của cô - Jeremy và nhà văn được giao trách nhiệm tiếp tục di sản văn học của Verity - Lowen? Tất cả câu trả lời đều nằm trong quyển sách đầy bi kịch này.

 

“What you read will taste so bad at times, you’ll want to spit it out, but you’ll swallow these words and they will become part of you, part of your gut, and you will hurt because of them.”

 

** Bài viết thuộc bản quyền của The Bookshelf Hanoi, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức. **