Crying in H mart

13/09/2022
Yang

Cuốn hồi ký nằm trong danh sách The New York Times bestsellers 56 tuần liên tiếp, được chắp bút bởi Michelle Zauner - một nghệ sĩ indie rock mang hai dòng máu Hàn - Mỹ. Trước khi thành công với cuốn sách đầu tay ra mắt năm 2021, Michelle Zauner được biết đến nhiều hơn với vai trò là trưởng nhóm nhạc Japanese Breakfast với cá tính mạnh mẽ và đậm chất riêng. Nhưng trong Crying in H mart, Michelle lại thể hiện nhiều hơn khía cạnh dịu dàng, đa cảm trong hành trình lớn lên là một người Mỹ gốc Hàn, đi tìm bản sắc của chính mình tại xứ cờ hoa.

 

Ẩm thực có thể gắn kết & xoa dịu tâm hồn

"Every since my mom died, I cry in H mart".

Chỉ với 10 chữ mở đầu, Michelle đã lập tức thu hút bạn đọc vào dòng cảm xúc mãnh liệt. Trong những trang sách đầu, Michelle tái hiện tuổi thơ với những chuyến đi thăm bà và dì ở quê mẹ Seoul, nơi Michelle và mẹ có thời gian gắn bó qua những bữa ăn đậm chất Hàn Quốc.

 

Nguồn: IG @windermerereads

 

Dòng hồi ức đa cảm xúc về mẹ

Trong ký ức về thời thơ ấu và niên thiếu của mình, Michelle đã kể về mẹ trong chương đầu tiên, bởi lẽ đó là cách để Michelle cho biết cô ấy đến từ đâu và cô ấy là ai. Michelle không quên đề cập đến những khó khăn của việc sống đúng mong muốn của mẹ, của việc ý thức bản thân là một người con lai cần hòa nhập với cả hai môi trường Mỹ và Hàn. Vốn là một đứa trẻ đơn độc chỉ có mẹ sát cánh khi lớn lên ở ngoại ô Eugene, Michelle thường xuyên bị choáng ngợp bởi sự tận tâm quá mức của mẹ, đến mức cô cho rằng "điều này vừa có thể là một đặc ân tốt dành cho cô, nhưng lại vừa để lại nhiều hệ quả đáng tiếc”. Đã có lúc căng thẳng giữa hai mẹ con đến đỉnh điểm, khi Michelle cảm thấy mẹ quá khắc nghiệt và cô cảm thấy kiệt sức bởi "những quy định và kỳ vọng của mẹ".

Theo dòng thời gian, Michelle chuyển tới thành phố khác để học đại học và theo đuổi ước mơ nghệ thuật, đó là khi cô được sống đúng với đam mê và sở thích, nhưng cũng là khi cô nhận ra mình dần trở nên xa cách với "phần Hàn Quốc" trong bản thân mình. Chính việc mẹ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối đã buộc Michelle phải sống chậm lại để thực sự nhìn lại, thực sự tìm hiểu về mẹ, để biết trân trọng những món quà về hương vị ẩm thực và ngôn ngữ mà mẹ đã trao cho cô. Quá trình cùng mẹ chiến đấu với căn bệnh cũng là quá trình Michelle được gần gũi và ở bên mẹ nhiều nhất. Cô dường như xóa bỏ được mâu thuẫn với mẹ từ những ngày tháng niên thiếu, quan tâm đến từng sở thích, thói quen và xúc cảm của mẹ. Với sự vụng về và trái tim đầy yêu thương, Michelle đã cố học và làm "gyeranjjim", "Ottogi brand cream soup" - những món ăn Hàn mà mẹ cô yêu thích.

 

Nguồn: IG @hagsville

 

Một bông hồng vươn lên từ mất mát

Sau khi mẹ ra đi, Michelle đã phải trải qua đoạn khó khăn nhất, nhưng cũng là chặng đường mà cô trưởng thành và khám phá cuộc sống, khám phá thêm khía cạnh của bản thân nhiều nhất. Michelle dành một chuyến nước ngoài dài ngày với bố - người cô không thực sự hòa hợp và thậm chí đã từng ước "bố có thể ra đi thay vì mẹ", dành thời gian nhiều hơn với gia đình dì - những người nhỏ bé trên đất Hàn cũng đã trải qua mất mát không thể nào nguôi khi bà ngoại và một người dì khác của cô ra đi trước đó, hay dành thời gian để nấu các món ăn truyền thống Hàn Quốc với tất cả tâm huyết và tâm hồn. Michelle dần dần tiến xa hơn trên hành trình chữa lành nỗi đau và trưởng thành hơn từ đó, để rồi vụt sáng với ban nhạc indie của mình sau khi quyết tâm theo đuổi con đường âm nhạc. Những gì Crying in H Mart thực sự tiết lộ, là khi mất đi người mẹ thân yêu và khi cô cố gắng học nấu ăn để mang bà trở lại với cuộc sống, Zauner đã trở thành chính mình - một bản ngã mà cô tìm kiếm bấy lâu.

 

Nguồn: IG @ellereadsomebooks

 

Sức mạnh của nguồn cuội

Xuyên suốt hồi ức của mình, Michelle đã khéo léo đan xen ẩm thực Hàn Quốc với vô vàn xúc cảm. Những lần cùng ăn mì tương đen (jajangmyeon) với mẹ và các dì trong căn hộ của bà ngoại ở Seoul, lần đầu tiên ăn bạch tuộc sống (sannakji) để tạo ấn tượng với các dì, hay lần đầu tiên tự làm kimchi sau khi mẹ qua đời… tất cả đều được Michelle vẽ lên chân thực, gói gọn trong cảm xúc nghẹn ngào, thương nhớ và sự tự hào không kể xiết. Đó cũng là lúc độc giả có thể cảm nhận được một điều rõ ràng mà Michelle muốn gửi gắm: ẩm thực của một nền văn hóa như một chất keo gắn kết tất cả thành viên trong gia đình, mang lại niềm vui và kỉ niệm vô giá khi cùng những người thân yêu nhất.

"Every dish I cooked exhumed a memory. Every scent and taste brought me back for a moment to an unravage home. Knife-cut noodles in chicken broth took me back to lunch at Myeongdong Gyoja…" Ẩm thực còn là cách để Michelle nhớ về mẹ và tình yêu của bà dành cho cô con gái duy nhất của mình, “No matter how critical or cruel she could seem – constantly pushing me to meet her intractable expectations – I could always feel her affection radiating from the lunches she packed and the meals she prepared for me just the way I liked them". Chúng còn có khả năng xoa dịu phần nào nỗi đau sau khi Michelle mất đi mẹ và một người dì đều vì căn bệnh ung thư: "I started making kimchi once a month, my new therapy".

 

Nguồn: IG @chroniqled

 

** Bài viết thuộc bản quyền của The Bookshelf Hanoi, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức. **