Deep Work

09/11/2021
Rin

NO. 1

Một khái niệm quen thuộc

Từ những ngày thơ bé, hay lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta thường được cha mẹ, thầy cô nhắc nhở rằng: “con phải tập trung học, làm việc”. Vậy trạng thái tập trung ấy như thế nào mới được gọi là lý tưởng nhất?

“𝙒𝙝𝙤 𝙮𝙤𝙪 𝙖𝙧𝙚, 𝙬𝙝𝙖𝙩 𝙮𝙤𝙪 𝙩𝙝𝙞𝙣𝙠, 𝙛𝙚𝙚𝙡, 𝙖𝙣𝙙 𝙙𝙤 𝙬𝙝𝙖𝙩 𝙮𝙤𝙪 𝙡𝙤𝙫𝙚 ‑ 𝙞𝙨 𝙩𝙝𝙚 𝙨𝙪𝙢 𝙤𝙛 𝙬𝙝𝙖𝙩 𝙮𝙤𝙪 𝙛𝙤𝙘𝙪𝙨 𝙤𝙣“

“Deep work” của Cal Newport đang trở thành một ngôi sao sáng dẫn đường cho những người muốn tìm đến sự tập trung và đề cập tới lợi ích mà bạn có thể đạt được trong trạng thái làm việc sâu. Tác giả cũng đưa ra khái niệm về hai trạng thái làm việc đáng chú ý và khác nhau trong cuốn sách là shallow work và deep work.
Nếu như shallow work ám chỉ những công việc có tính logic, lặp đi lặp lại và không đòi hỏi sự tập trung cao độ, thì deep work lại miêu tả trạng thái làm việc sâu, tập trung nhất có thể, không bị phân tán tư tưởng để có thể thúc đẩy khả năng nhận thức đi tới điểm giới hạn. Nếu nói rằng shallow work không tạo ra nhiều giá trị mới và dễ bị sao chép, thì deep work lại giúp chúng ta tạo ra nhiều giá trị mới, cải thiện kỹ năng và hầu như không thể sao chép.

 

NO. 2

Trạng thái làm việc không dành cho tất cả mọi người

Dù sự tập trung trong công việc không còn là một khái niệm mới mẻ, nhưng thực chất deep work không phải trạng thái mà mọi người đều có thể làm theo và đạt tới. Hàng ngàn những thứ xung quanh chúng ta, và thậm chí cả trong đầu ta, đều đang sẵn sàng lao tới để tham chiến vào cuộc chiến tranh giữa sao nhãng và tập trung. Chỉ một vài diễn biến bên ngoài cũng đã có thể làm ta vô thức đi lệch hướng trong khi đang suy nghĩ về vấn đề trong đầu, hay việc ta luôn sợ rằng mình đã bỏ lỡ thông tin quan trọng nào trên Facebook, Instagram hay Tiktok. Trong kỉ nguyên bùng nổ về công nghệ, sự tập trung luôn là món hàng đắt giá nhất để đem ra mua bán và trao đổi.

Tuy nhiên deep work không phải trạng thái nào đó quá thần thánh mà loài người không thể với tới được. Những nhân vật như Carl Jung, Mark Twain, Bill Gates, J.K.Rowling, bằng cách này hay cách khác, đều đã từng đưa mình vào trạng thái làm việc sâu nhất để có thể tạo ra những sản phẩm để đời. Có thể kể tới câu chuyện của Woody Allen, một nhà biên kịch kiêm đạo diễn trong suốt 44 năm từ 1969 ‑ 2014 đã viết và đạo diễn 44 bô phim, nhận được 23 đề cử giải Oscar. Một tỷ lệ phản ánh năng suất lao động nghệ thuật đáng ngưỡng mộ.

NO. 3

Deep work and Pomodoro Technique

Tác giả Cal Newport có đề cập tới 2 nhóm người có khả năng thành công trong nền kinh tế số là những người có thể làm việc với trí tuệ nhân tạo và những người là ngôi sao trong lĩnh vực của họ. Để làm nên chỗ đứng trong 2 nhóm người này cần 2 yếu tố như sau:

1. Khả năng làm chủ nhanh chóng những thứ khó, hóc búa.
2.Khả năng làm việc ở một mức độ xuất sắc, xét về cả chất lượng lẫn tốc độ.

Học cũng là một hành động deep work, và deep work có thể giúp ta đạt được cả năng suất và chất lượng, giúp tăng khả năng đạt được thành công của người thực hành lên mức độ đáng kể bằng công thức:

Quality work = Time x Focus Quality

Tuy về mặt lý thuyết là vậy, nhưng để một người bình thường tập trung trong một khoảng thời gian dài là khá khó khăn, nhất là đối với những người dễ bị sao nhãng bởi môi trường xung quanh. Bởi vậy nên ta có thể cùng lúc áp dụng phương pháp Pomodoro ‑ Phương pháp được tạo ra bởi một sinh viên người Ý Cirillo, nghĩa là quả cà chua trong tiếng Ý, và là tên gọi sau này khi mà Cirillo sử dụng bộ đếm thời gian hình quả cà chua để thiết lập thời gian được sử dụng.

Phương pháp này yêu cầu người học tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất trong vòng 25 phút mỗi lần và chỉ nghỉ 5 phút giữa các bài. Sau bốn pomodoros, người học được phép nghỉ dài hơn, khoảng 15‑20 phút. Như vậy, nhằm tối đa được năng suất làm việc trong mục tiêu ấy, Pomodoro đã tỏ ra khá hiệu quả trong việc nhấn mạnh sự tập trung và niềm vui khi được nhận thưởng (bởi chính bản thân mình hoặc đôi khi là từ ai đó).

 

NO. 4

Deep work như thế nào cho hiệu quả?


“Human beings, it seems, are at their best when immersed deeply in something challenging.”

Cal Newport đã đưa ra 4 quy tắc trong cuốn sách của mình khiến người đọc trở nên dễ tiếp cận với deep work hơn bao giờ hết. Chế độ làm việc sâu thật sự không phải là điều gì đó mà ta muốn mà có thể thực hiện ngay, nên việc đầu tiên cần làm là xây dựng những “nghi thức” cá nhân nho nhỏ cho bản thân để làm quen với trạng thái làm việc này. Bên cạnh đó, việc đối mặt với sự chán nản và những phân tán liên tục từ bộ não làm bạn không thể tập trung vào bất cứ việc gì dù có muốn hay không, nên hãy thử tập thiền hiệu quả cho bất kì việc gì bạn đang định làm. Việc đấu tranh với mạng xã hội cũng là một trong những điều điều khá khó khăn với nhiều người sử dụng thiết bị thông minh, tuy nhiên, việc lướt Tiktok, Facebook hay Instagram không thể thúc đẩy thói quen làm việc sâu cho bản thân người thực hành được. Do đó, hạn chế sử dụng mạng xã hội cũng là 1 trong số 4 quy tắc tác giả muốn gửi đến người đọc. Và cuối cùng, những công việc thuộc nhóm shallow work được coi như không thể tránh khỏi, nhưng cũng đừng để chúng chiếm quá nhiều thời gian của bạn, bằng cách tối ưu hóa và lên kế hoạch cụ thể, có thể bạn sẽ chủ động nắm bắt công việc của mình hơn.

 

NO. 5

Cuối cùng thì

“What we choose to focus on and what we choose to ignore—plays in defining the quality of our life.”

“Deep work” với 300 trang sách giống như một cuốn cẩm nang cho những người muốn tìm hiểu và thực hành về chế độ làm việc sâu. Với cách viết ngắn gọn và dễ hiểu, Cal Newport đã thực hiện tốt vai trò như một người dẫn dắt những người đọc của mình phát huy điểm mạnh và thực hành phương pháp cực kỳ hữu ích này. Nếu như bạn cảm thấy bản thân bị lạc lối trong vô vàn những hướng dẫn làm việc ngoài kia, hãy thử lựa chọn “Deep work”, bởi biết đâu, “Deep work” lại trở thành cuốn sách gối đầu giường về phương pháp học tập và làm việc của bạn đó!