Đọc làm gì khi đọc xong lại... quên?

01/04/2022
Mỹ Seo

Đọc sách như một hành trình thưởng ngoạn cảnh đẹp - dù bạn có yêu thích cảnh đó thế nào đi nữa, khung cảnh cũng sẽ phai mờ theo thời gian (đó là khi chúng ta sẽ lấy ảnh chụp ra ngắm 😆). Khi bạn bắt đầu hành trình đọc sách cũng vậy, nhớ và quên là hai trạng thái mà bạn có thể sẽ gặp ☺️

Bạn làm thật nhiều cách để cố nhớ những chi tiết đặc sắc trong cuốn sách: ghi chép có hệ thống, đọc lại vài ba lần, tạo thành những câu chuyện nhỏ và kể lại cho bạn bè nghe, … Nhưng cuối cùng, bạn lại chẳng thể nhớ hết được nó, và dần dần, những ký ức về cuốn sách sẽ rơi vào quên lãng.

Vậy chúng ta phải làm thế nào mới gọi là đọc sách đúng kiểu? Hãy cùng The Bookshelf Hanoi đi tìm hiểu nhé!

nguồn: medium forge

 

Nỗi sợ vô căn cứ

Nếu niềm yêu thích với sách vở đối với bạn là vô cùng lớn, thì vấn đề này coi như được giải quyết xong. Khi bạn đã quyết định gắn bó với việc gì đó, thì trí nhớ không còn là rào cản đối với bạn. Và đôi khi, việc quên đi một thứ gì đó lại là món quà vô giá trên hành trình đi tìm kiếm tri thức và tìm lại mảnh ký ức của mình ấy chứ!

nguồn: rapidleaks

 

Nhớ và quên

Theo một nghiên cứu khảo sát của Google vào năm 2010 được tờ The Atlantic đưa tin, thì có khoảng 130 triệu cuốn sách trên toàn thế giới. Giờ đây, chúng ta sống cách xa 12 năm kể từ ngày các chuyên gia Google làm khảo sát, và số sách ấy đã tăng với tốc độ chóng mặt. Nếu một người đọc với tốc độ nhanh thì trung bình họ có thể đọc 4600 cuốn sách trong cuộc đời họ. Vậy có nghĩa là số sách bạn có thể đọc được là cực kỳ, cực kỳ nhỏ so với toàn bộ sách có mặt trên trái đất.

Đó là chưa kể việc bạn đọc xong lại quên.

nguồn: Librarianshipwreck

Việc này làm chúng ta thật đau đầu nhỉ? Nhưng nó không làm chúng ta nản chí!

Giống như hầu hết mọi sự kiện xảy ra trong cuộc đời, chúng ta không thể nhớ lại hoàn toàn 100% đặc điểm, chi tiết của những sự việc mà ta từng trải qua. Đọc sách cũng vậy. Nếu người đọc cố tình tạo áp lực vào việc ghi nhớ lại tất cả những gì mình đọc, điều này chỉ làm bạn ngày càng nảy sinh cảm giác chán ghét việc chạm vào những cuốn sách mình từng yêu thích mà thôi.

 

Sự hình thành của các hình mẫu

Các cuốn sách đa phần không giống nhau, bởi rất nhiều yếu tố như: nội dung, hình thức trình bày, ý tưởng cốt truyện, hay ý nghĩa. Nhưng nếu người đọc có thể đọc đủ nhiều, thì khi đó, họ sẽ hình thành trong đầu một thứ gì đó, giống như là một hình mẫu. Thứ hình mẫu đó sinh ra ở nơi mà chúng ta sống, những điều mà chúng ta được trải nghiệm, trong đó có việc đọc. Paul Graham, người sáng lập tổ chức vườn ươm Y Combinator viết trong bài luận How You Know của ông rằng:

“Đọc và trải nghiệm là sự kết hợp hình thành nên thế giới quan của bạn. Ngay cả khi bạn quên đi, nó vẫn có thể ảnh hưởng tới thế giới quan bên trong bạn. Tâm trí bạn giống như một chương trình đã được biên dịch nhưng mất mã nguồn. Nó hoạt động, nhưng bạn không hiểu tại sao.”

Những cái nhìn của bạn sẽ thay đổi một cách tàng hình, dù bạn muốn hay không, bởi những gì bạn đã được tiếp thu. Vì vậy, việc đọc giúp bạn thay đổi bản thân ngay cả khi bạn nghĩ rằng bạn còn chẳng nhớ gì về nội dung của cuốn sách mình đã từng đọc đó!

Ghi chú của Newton vào cuốn sách mà ông đọc

Nguồn: The Guardian

Bên cạnh đó, việc đọc lại những cuốn sách cũ không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa ghi nhớ những gì mình đã lãng quên. Nó còn được biết đến như một phương pháp khám phá ra nhiều mặt thú vị khác nhau của cuốn sách. Bởi như mọi người được biết, não bộ của chúng ta được nâng cấp và thay đổi từng ngày bởi những trải nghiệm. Như vậy, với mỗi lăng kính khác nhau, chúng ta đều có thể tìm thấy được nhiều điều khác nhau từ một cuốn sách cũ.

Mong rằng các bạn có thể tìm ra câu trả lời của mình trong bài viết về vấn đề được đề cập tới. Nếu có các bạn cảm thấy hữu ích, hãy comment chia sẻ cho The Bookshelf Hanoi biết nhé!