Phương pháp đọc sách Notecards

27/12/2022
Yang

Lời mở đầu:

Khi đọc một quyển sách, đã có bao giờ bạn đặt ra câu hỏi cho bản thân rằng: “Làm sao để có thể nhớ được nhiều nhất những kiến thức mà mình đã từng đọc?”, “Làm sao để xây dựng một hệ thống những bài học mình rút ra từ sách?” hay “Làm thế nào để mình có thể áp dụng tối ưu những điều mình đọc được vào đời sống thực tiễn?”

Chúng ta đều mong muốn có thể tiếp thu và lĩnh hội được tất cả những tri thức mà cuốn sách đó muốn truyền tải. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể xây dựng cho bản thân một phương pháp đọc sách phù hợp và hiệu quả. Chính vì lẽ đó, hôm nay Seo sẽ giới thiệu đến với các bạn “phương pháp đọc với giấy note” có thể giúp hành trình đọc sách của bạn trở nên nên thú vị hơn.

 

Những dụng cụ cần thiết:

- Bút bi/ bút chì

- Bút highlight

- Giấy note

- Giấy đánh dấu trang

- Một chiếc hộp nhỏ

 

 

Bước 1: Đọc sách chủ động 

Khi đọc một quyển sách bất kỳ và gặp phải một mẩu thông tin mới, thú vị, bạn hãy dùng bút bi hoặc bút highlight để gạch và ghi chú những cảm xúc, suy nghĩ, nhận xét của các bạn về những phần hay những chi tiết mà bạn tâm đắc. Việc chúng mình chủ động tương tác với sách sẽ kích thích não bộ của mình suy nghĩ nhiều hơn và tìm ra kiến thức, bài học thú vị.

 

 

Bước 2: Viết lại trên notecards điều bạn tâm đắc, muốn lưu lại

Sau khi đọc một vài chương sách thì giờ đây bạn hẳn đã có một “bộ sưu tập nhỏ” những câu nói, đoạn văn hay kiến thức thú vị mà bạn đã đánh dấu và ghi chú lại trên sách. Vì thế, bước tiếp theo chúng ta sẽ viết những kiến thức mình thật sự tâm đắc vào note cards của mình:

- Đầu tiên, bạn hãy ghi vào mép trái note cards một từ nói lên nội dung hoặc chủ đề chính.

- Sau đó mình ghi vào mép phải tên sách và số trang có thông tin, kiến thức này.

- Phần quan trọng là nội dung bên dưới mình sẽ chép lại vắn tắt đoạn thông tin, kiến thức, câu trích hay trong sách…

- Ngoài ra, để tránh lãng phí mặt sau của note cards, bạn cũng có thể viết thêm những suy nghĩ riêng hoặc bài học mà bạn rút ra được từ đoạn thông tin đó.

 

 

Bước 3: Hệ thống và lưu lại thẻ theo đầu mục sách hoặc theo bảng chữ cái

Bạn có thể sắp xếp thẻ theo thứ tự bảng chữ cái A-Z dựa trên chữ cái đầu tiên của những từ khóa mà bạn đã viết trên mép trái của note cards.

Ví dụ: F (Finance), L (Love), M (Mental health),... được sắp xếp vào chiếc hộp theo thứ tự bảng chữ cái.

Khi bạn đã có một hệ thống những note cards được tập hợp vào một chiếc hộp nhỏ, bạn sẽ dễ dàng tìm kiếm lại những “kiến thức” mà mình đã từng tiếp thu.

 

Bước 4: Áp dụng những kiến thức vào thực tiễn

Aristotle đã từng nói: “Whatever we learn to do, we learn by actually doing it.” Chính vì lẽ đó, những kiến thức ta tiếp thu và học được chỉ có hiệu quả nhất khi ta biết cách áp dụng chúng vào thực tiễn. Bằng cách xem lại những note cards mình đã hệ thống trong chiếc hộp nhỏ thường xuyên và khi bạn muốn tìm kiếm thông tin về một đề tài nhất định, bạn có thể dễ dàng mở “chiếc hộp thần kỳ” ra để xem đúng chủ đề đó là những cách mình có thể áp dụng kiến thức vào đời sống hữu hiệu nhất.

 

Lời kết

Trên đây là toàn bộ những điều bạn cần biết về phương pháp đọc sách sử dụng note cards hay còn gọi là thẻ ghi chú. Seo tin rằng nếu bạn dành thời gian để “tương tác” với sách nhiều hơn sẽ làm cho trải nghiệm đọc của bạn trở nên thú vị và sinh động hơn đó.

Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích hay bạn còn những phương pháp đọc sách hữu hiệu nào khác, hãy chia sẻ bên dưới phần comment cho Seo và mọi người cùng biết nhé!

 

Reel tham khảo: https://www.instagram.com/reel/CmeJhtqpuP2/

 

** Bài viết thuộc bản quyền của The Bookshelf Hanoi, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức. **