Worry Tree

25/11/2021
Rin

Lo âu là một trạng thái cảm xúc đem lại sự căng thẳng, khó chịu và không thoải mái; nguyên nhân thường không rõ ràng. Trạng thái tâm lý này rất dễ bắt gặp ở mỗi chúng ta.

Vậy, bạn thường làm gì khi lo âu?

Hít thở sâu? Thiền? Nghe nhạc?... Có rất nhiều cách để giải tỏa lo âu và mỗi người có một cách xử lý riêng.

Đọc sách cũng là một cách tuyệt vời để loại bỏ nỗi lo âu. Theo một nghiên cứu khoa học, chỉ với 6 phút đọc sách, bạn đã có thể giảm đến 68% sự lo âu, tâm trí được thả lỏng và tĩnh tâm.

Nếu bạn đang tìm kiếm những cuốn sách giúp “đánh bay” sự lo âu, hãy thử tìm đến bộ đôi “Reason to stay alive” và “Notes on a nervous planet” của Matt Haig nhé.

Cả hai cuốn sách đều thuộc thể loại tự truyện, ghi chép lại những suy nghĩ, thế giới quan của Matt Haig. Cuốn sách như những cuốn bí kíp, bí kíp để sống hạnh phúc hơn trong thế giới đầy rẫy sự lo âu này.

Vì là tự truyện nên sẽ không có các chương, các trang trong sách sẽ mang một nội dung riêng. Khi đọc, bạn sẽ bắt gặp những đoạn thật dài, cũng sẽ có những trang chỉ vỏn vẹn vài dòng, với những câu từ đơn giản nhưng lại khiến ta dừng lại rất lâu. Để đọc, để ngẫm, để cảm nhận.

“Reason to stay alive” và “Notes on a nervous planet” thực sự là những cuốn sách đáng đọc để đối mặt với sự lo âu. Cuốn sách giúp chúng ta có thể hiểu rõ hơn về những điều nhỏ bé trong cuộc sống, về những lo âu mà chúng ta đang mang trong mình đến từ những lý do nào, thế giới đang làm cho chúng ta trở nên lo lắng như thế nào mà chúng ta không hay biết.

 

Sau khi tìm đến những biện pháp giải tỏa lo âu đến từ các yếu tố bên ngoài thì bạn đừng nên bỏ quên việc lắng nghe bản thân từ bên trong nhé. Ghi lại những lo âu cũng là một cách hữu ích để giải tỏa chúng đấy! Khi những lo lắng được chuyển hóa thành câu từ, não bộ của chúng ta sẽ phần nào được thà lỏng, những lo âu rối ren sẽ được định hình hơn. Từ đó chúng ta có thể nhìn nhận vấn đề một cách khái quát hơn và giải quyết chúng.

Trong hệ thống ghi chép bullet journal có một khái niệm giúp giải tỏa lo lắng gọi là “Worry tree” (tạm dịch là “cái cây lo lắng”).

“Worry tree” là một dạng sơ đồ tư duy với những câu hỏi dẫn dắt liên quan đến việc xác định được nỗi lo âu của bản thân để rồi rút ra được giải pháp phù hợp giải quyết nỗi lo âu đó.

 

Những bước xây dựng một “worry tree”:

Bước 1:

Tự hỏi bản thân - “Mình đang lo lắng về điều gì?”

Bước 2:

Sau đó tự hỏi bản thân - “Mình có thể làm gì để giải tỏa nỗi lo này không?”

Bước 3:

Nếu câu trả lời là không, hãy quên nỗi lo âu này đi! Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta cần một khoảng thời gian để tập luyện. Cố gắng chuyển sự tập trung của bạn sang một điều khác hoặc tự nhủ với bản thân “Điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của mình”, hay “Điều đó sẽ không xảy ra!”.

Nếu bạn có thể làm điều gì đó để giải quyết sự lo âu này, hãy tìm hiểu chi tiết hơn với những câu hỏi “cái gì?”, “ở đâu?”, “như thế nào?”. Sau đó đưa ra một kế hoạch hành động hoặc sắp xếp lịch để giải quyết chúng sau. Và khi làm những diều này, hãy cố gắng hướng sự tập trung của bản thân sang một thứ khác.

 

Nếu bạn cũng đang có những lo lắng trong lòng, hãy thử “trồng” cho mình một “worry tree” để giải tỏa chúng nhé!

Dưới đây là một ví dụ minh họa về “worry tree” bạn có thể tham khảo nha:

Mong rằng mỗi người chúng ta, đều có thể mạnh mẽ đối mặt với nỗi lo âu của bản thân và vượt qua chúng.